Quảng Ninh: Siết chặt quản lý dự án bị chậm tiến độ

image
image

Quảng Ninh: Siết chặt quản lý dự án bị chậm tiến độ

Trên địa bàn Quảng Ninh hiện còn nhiều dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các địa phương rà soát

Theo Báo cáo của UBND TP Móng Cái, tính đến tháng 5/2022, trên địa bàn có 28 dự án đã được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ; 20 dự án chậm tiến độ đã có quyết định thu hồi đất; 16 địa điểm nghiên cứu quy hoạch và 3 quy hoạch chậm tiến độ; 15 dự án đã có quyết định/văn bản thu hồi địa điểm nghiên cứu/hủy bỏ quy hoạch; 1 danh mục địa điểm quá hạn nghiên cứu quy hoạch; 3 danh mục quy hoạch dự án đã được phê duyệt trên 3 năm nhưng chưa triển khai; 2 dự án chưa có hoạt động đầu tư.

Dự án Khu dịch vụ kho hàng và bến bãi tại Lục Phủ (xã Bắc Sơn) do Công ty CP Thương mại du lịch Kim Tinh làm chủ đầu tư, được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 tại Quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 của UBND tỉnh; trong đó quy hoạch 4 khu, tổng diện tích 504.572m2 (điều chỉnh năm 2017 là 473.455m2). Ngày 24/6/2021, Sở TN&MT đã kiểm tra dự án này, trong đó chỉ rõ các nội dung chậm tiến độ. Hiện dự án đã chậm 4 năm 8 tháng so với phê duyệt.

Dự án Bến cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường Bình Ngọc, do Công ty TNHH Hương Anh làm chủ đầu tư. Theo tiến độ quy định, đến tháng 7/2010, dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 22 năm triển khai, chủ đầu tư mới xây dựng được nhà tạm để trông coi dự án, san lấp khoảng 80% diện tích công trình theo quy hoạch, xây 100m kè, đóng khoảng 800 cọc bê tông hạng mục kè. Các hạng mục còn lại chưa triển khai theo phê duyệt. Hiện, dự án của Công ty TNHH Hương Anh vẫn "đắp chiếu", gây lãng phí nguồn lực đất đai.

 

Dự án Khu dịch vụ kho hàng và bến bãi tại Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái do Công ty CP Thương mại du lịch Kim Tinh làm chủ đầu tư, tính đến nay đã chậm tiến độ hơn 5 năm so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đầu tư (ảnh báo Quảng Ninh)

Dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao (giai đoạn 1) có quy mô trên 144ha, dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận đầu tư cho Công ty CP Thủy sản NG Cẩm Phả, thời gian thực hiện đến hết tháng 1/2019.

Mục tiêu của dự án triển khai theo mô hình công nghiệp sử dụng công nghệ cao và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao; tạo ra vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Giai đoạn 1, dự án triển khai với quy mô sản xuất thương phẩm 50 tấn/ha/năm tương ứng khoảng 2.596 tấn và 15 triệu tôm giống/năm, tạo việc làm cho khoảng 650 lao động. Tổng dự án có mức đầu tư 400 tỷ đồng và hoạt động trong thời gian 50 năm.

Khi có chủ trương đầu tư, doanh nghiệp đã cùng cơ quan chức năng của thành phố triển khai công tác kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 24 tập thể, cá nhân. Đến ngày 9/3/2018, doanh nghiệp đã được bàn giao thực địa trên 142,6ha để triển khai dự án.

Ông Nguyễn Thanh Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) cho biết: Chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thường xuyên đốc thúc doanh nghiệp khẩn trương thực hiện dự án. Thế nhưng, đến nay doanh nghiệp chưa chuyển hết số tiền để cơ quan có thẩm quyền chi trả dứt điểm cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đất bỏ hoang, nhiều người dân đã tự ý tái lấn chiếm để nuôi trồng thủy sản, điều này khiến cho tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp...

Quảng Ninh: Siết chặt quản lý dự án chậm tiến độ - Ảnh 2.

Khu bến bãi số 3 có diện tích 8,7ha với 14 hạng mục công trình chính hiện nay đang bị bỏ hoang (ảnh báo Quảng Ninh)

Một số dự án đã chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng nhiều năm trong khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp, không tự nguyện trả lại đất cho nhà nước, nếu thu hồi ngay sẽ không đảm bảo quy định của pháp luật đất đai, phát sinh đơn thư khiếu kiện, nhưng nếu gia hạn tiến độ sử dụng đất thì dự án sẽ tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, thông thường thì các dự án này đã triển khai thực hiện được một số hạng mục công trình chính của dự án và đưa đất vào sử dụng, còn lại một số hạng mục công trình khác chưa đầu tư thực hiện, theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 thì phải thu hồi toàn bộ dự án, chứ không thu hồi một phần diện tích của dự án, dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi đất.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các địa phương cần nâng cao chất lượng thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt về năng lực tài chính, rà soát kỹ những chủ đầu tư chưa vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn toàn quốc để giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Yêu cầu thường xuyên rà soát các địa điểm, quy hoạch đã được phê duyệt (đã 03 năm đã đến thời kỳ rà soát) để tham mưu, đề xuất thu hồi địa điểm, hủy bỏ quy hoạch (nếu không còn phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) theo quy định Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng.

Theo Diễn đoàn doanh nghiệp